KUALA LUMPUR 02/5/2025 – Khi Giáo hội Công giáo chuẩn bị nhóm họp tại Roma để bầu giáo hoàng mới, các tiếng nói từ châu Á và các quốc gia phương Nam kêu gọi người tín hữu đừng chú trọng vào ứng viên, mà hãy đặt trọng tâm vào cầu nguyện và sự phân định.
Hồng y Sebastian Francis của Malaysia, người sẽ tham dự mật nghị lần đầu tiên, mô tả quá trình này như là “một kỳ tĩnh tâm thiêng liêng”, nhấn mạnh rằng đây hoàn toàn không giống một cuộc bầu cử chính trị. Ngài nói: “Chúng tôi không đến Roma với một danh sách các ứng viên. Chúng tôi đến với tấm lòng rộng mở, hỏi xem ai là người được Chúa Thánh Thần tuyển chọn để dẫn dắt Giáo hội tiến về phía trước.”
Hồng y người Philippines Pablo Virgilio David cũng chia sẻ quan điểm tương tự trước khi lên đường sang Vatican. Ngài nói: “Không có khẩu hiệu, không có vận động tranh cử – chỉ có cầu nguyện. Chúng tôi không chọn một người nổi tiếng; chúng tôi đang tìm một người mục tử.”
Ngài nói thêm: “Mật nghị hồng y là một kỳ tĩnh tâm. Các hồng y sẽ cầu nguyện, và chính trong tinh thần cầu nguyện, chúng tôi sẽ hỏi – không phải ai là người chúng tôi muốn chọn – mà là ai là người Chúa muốn kế nhiệm đức giáo hoàng Phanxicô. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một trách nhiệm đạo đức và thiêng liêng lớn lao khi bước vào mật nghị – không phải với tinh thần chính trị, mà là với tinh thần cầu nguyện để tiếp nối sứ mạng của Giáo hội.”
Trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo, hồng y David cho biết vì mật nghị là một kỳ tĩnh tâm, một phần nhiệm vụ của các hồng y là phân định thông qua việc hiểu rõ nhau hơn.
Theo lời ngài, một trong những cách họ làm quen với nhau là viết thư tay cho nhau.
Một cách khác là tìm hiểu qua nghiên cứu, và ngài lưu ý rằng có một trang web tổng hợp tiểu sử và thông tin cơ bản về các hồng y. “Tôi cũng có mặt trên đó. Tôi bất ngờ vì không biết ai đã viết phần tiểu sử của tôi,” ngài chia sẻ.
Mật nghị sắp tới diễn ra trong một thời điểm then chốt của Giáo hội, khi các cộng đồng Công giáo ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh – nơi hiện là quê hương của phần lớn tín hữu trên thế giới – đang kêu gọi có một vị giáo hoàng tiếp tục di sản của đức Phanxicô: tinh thần đồng nghị, công bằng xã hội và lòng thương xót.
Hồng y Charles Maung Bo của Myanmar – người từ lâu đã là một nhà vận động cho hòa bình và đối thoại – nhấn mạnh: “Vị giáo hoàng tiếp theo phải tiếp tục rao giảng Tin mừng của sự bao dung. Đức Phanxicô đã chỉ cho chúng ta rằng Giáo hội phải đồng hành cùng người nghèo, người bị lãng quên và những ai bên lề xã hội.”
Từ đông Phi, hồng y Berhaneyesus Souraphiel của Ethiopia nói về vai trò lãnh đạo ngày càng lớn về mặt đạo đức của các quốc gia phương Nam: “Chúng tôi mang đến những tiếng nói được hình thành bởi đau khổ và hy vọng. Dân tộc của chúng tôi hiểu ý nghĩa của sự kiên cường, và các cộng đồng đức tin của chúng tôi đầy sức sống, trẻ trung và sẵn sàng phục vụ.”
Mặc dù có nhiều suy đoán trên truyền thông tại một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã cảnh báo không nên biến mật nghị thành một cuộc thi nổi tiếng. “Chúng tôi để các hồng y cử tri quyết định ai sẽ kế nhiệm đức giáo hoàng Phanxicô,” cha Jerome Secillano, tổng thư ký Ủy ban Giám mục Philippines, phát biểu trên đài phát thanh Công giáo Radio Veritas.
Cha Secillano, đồng thời là người phát ngôn của Tổng giáo phận Manila, bổ sung: “Tính độc lập của các cử tri cần được tôn trọng, và điều tối thiểu chúng ta có thể làm là cầu nguyện cho tất cả các hồng y cử tri.”
Trong tinh thần của tầm nhìn do đức Phanxicô truyền cảm hứng, hồng y Sebastian khuyến khích người Công giáo ở Malaysia và khắp nơi “phó thác thời khắc này cho Thiên Chúa.” Ngài nói thêm: “Tương lai của Giáo hội không phải là vấn đề quyền lực hay uy tín. Đó là vấn đề của khiêm nhường, lòng can đảm và tình yêu thương.”
Agencies | heraldmalaysia.com
Ban Truyền thông GP Vinh dịch